Giai đoạn sau tháng 7 năm 1915 Mặt_trận_Argonne_(1914–1915)

Tháng 9 năm 1915, phía Đức bắt đầu chuyển nguồn nhân lực và tài lực của mình sang chiến trường Champagne, nơi họ tiên liệu được một cuộc tấn công lớn của quân Pháp. Trước khi phải chấm dứt các hoạt động tấn công của mình và chuyển nguồn lực sang Champagne, Mudra mở một chiến dịch tấn công cuối cùng vào cuối tháng 9 năm 1915. Ngày 15 tháng 9, quân Đức giành được đồi 213 và thành lũy Marie-Thérèse. Đến ngày 27 tháng 9, họ lại thắng và chiếm được khu vực Fille Morte. Vào thời điểm này, rừng Argonne về cơ bản đã nằm trong tay người Đức. Không còn rừng Argonne, quân Pháp trong chiến dịch Champagne phải tiến công qua một địa hình bất lợi nơi họ dễ làm mồi ngon cho pháo binh Đức.[1] Thêm vào đó, mặc dù chưa thật sự làm chủ tuyến đường sắt Verdun, quân Đức đã ngăn được việc quân Pháp sử dụng nó và điều này gây khó khăn rất nhiều cho việc cố thủ và tiếp tế thị trấn Verdun vào năm 1916.[4]

Mặc dù giao chiến ở Argonne đã lắng dần xuống sau từ tháng 7 năm 1915, nó vẫn chưa chấm dứt hẳn trong vòng nhiều tháng tới. Sau khi phần lớn các nhân vật tham chiến trọng yếu của Đức trên mặt trận được điều đi nơi khác (điển hình nhất là Mudra được lãnh chức Tư lệnh Tập đoàn quân số 8 vào tháng 8 năm 1916), cục diện chiến trường Argonne hạn chế chỉ còn các hoạt động đặt mìn của cả hai bên là chủ yếu.[4]

Cuộc chiến đấu trên mặt trận Argonne cũng là nguồn cảm hứng cho bản quân hành ca Đức mang tên "Bài ca rừng Argonne" (Argonnerwaldlied), còn gọi là Bài ca người công binh (Pionierlied) - sáng tác bởi Hermann Albert Gordon khoảng năm 1914/1915. Đây là một trong những bài nhạc lính được người Đức ưa chuộng rộng rãi nhất trong cuộc chiến.[4]